Chơi hụi là một hình thức huy động vốn “truyền thống” có từ rất lâu đời, với lợi thế huy động vốn nhanh và có lãi suất hấp dẫn nên thu hút đông đảo người dân tham gia và tình trạng “Chơi hụi rồi vỡ hụi” này lặp đi, lặp lại nhưng nhiều người vẫn cứ mắc phải.
Thủ đoạn của các chủ hụi thường là khi các hội viên hốt hụi được chủ hụi giao tiền rất sòng phẳng và đúng hạn nhằm tạo lòng tin, khi đã tạo được lòng tin thì chủ hụi lợi dụng việc các hụi viên không tham gia đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ, nên đã dùng tên khống, số phần khống tham gia chơi hụi hốt lấy tiền; tự ý lấy hụi của hụi viên để hốt; bán hụi khống và để cho nhiều hụi viên cùng hốt chót để lấy hụi của những hụi viên này hốt trong quá trình tổ chức các dây hụi nhằm chiếm đoạt tiền của hụi viên. Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền “cao chạy, xa bay” thì hụi viên mới biết sự việc.
Việc chơi hụi được Chính phủ quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP nhưng việc nhận thức, hiểu biết của chủ hụi, hụi viên và người dân còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, người dân khi tham gia các dây hụi cần phải lưu ý những nội dung sau:
+ Điều 7 của Nghị định quy định: Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu như những người tham gia dây hụi yêu cầu.
+ Điều 14 quy định: Chủ đầu hội phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
+ Điều 25 quy định: Trong trường hợp tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.
Theo Bộ Luật Hình sự, quy định tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức sử dụng góp hụi phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý khác nghiêm khắc. Tùy theo tính chất, mức độ phạm tội như: Tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là chung thân, thấp nhất là cải tạo không giam giữ; tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng.
Việc chơi hụi mang nhiều rủi ro và hậu quả của các vụ vỡ hụi rất nặng nề vì thường các vụ vỡ hụi có nhiều người tham gia, tài sản bị thiệt hại lớn, việc giải quyết tranh chấp xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn; nhiều người rơi vào tình trạng lao đao, nợ nần, gia đình tan vỡ. Vì vậy, Công an huyện Ba Tri khuyến cáo người dân:
+ Nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn như có thể đến các ngân hàng gửi tiết kiệm hoặc vay vốn, thủ tục đơn giản, thuận tiện.
+ Nếu chọn hình thức chơi hụi thì cần tìm hiểu rõ các quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Khi tham gia các dây hụi cần lựa chọn những người chủ hụi có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, hụi không có lãi suất hoặc lãi suất thấp.
Ngoài ra, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng và có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi. Người dân cần phân biệt các trường hợp nếu chủ hụi mở hụi để thu tiền hụi rồi bỏ trốn hoặc thành viên trả lãi cao để lãnh tiền hụi xong bỏ trốn… là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”… thì người dân cần đến cơ quan Công an trình báo, tố giác tội phạm.
+ Đồng thời, người tham gia hụi cảnh báo những người tổ chức chơi hụi, hụi viên cần tuân thủ các quy định pháp luật về hụi, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan về hụi thì người dân thông báo kịp thời cho Công an Thị trấn hoặc Công an huyện Ba Tri qua số điện thoại: 02753.850.015 hoặc 02753.850.004 để có biện pháp xử lý kịp thời.
Công an huyện Ba Tri