Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là bệnh lý ở mắt xảy ra khi kết mạc mi và lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) bị viêm nhiễm. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già. Bệnh thường diễn tiến lành tính, các biến chứng nặng ít gặp nhưng có thể xảy ra. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
– Triệu chứng của đau mắt đỏ thường là:
+ Đỏ một hoặc cả hai mắt;
+ Ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt;
+ Rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt;
+ Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai.
+ Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
– Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
+ Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…
+ Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…)
+ Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…).
+ Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi).
+ Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…
– Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ:
+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
+ Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
+ Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
+ Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
+ Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
+ Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
+ Người bệnh, người nghi bị mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
+ Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng./.
Ban Tuyên giáo